Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ (VietQ.vn) - Việt Nam là quốc gia đã tham vấn IAEA ngay từ khi có ý định phát triển điện hạt nhân và nhận được cam kết giúp đỡ của IAEA. IAEA sẽ làm mọi thứ để giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây là khẳng định của ông Yukiya Amano, Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Ông Yukiya Amano đã chia sẻ với phóng viên Chất lượng Việt Nam trong chuyến thăm và làm việc lần thứ hai tại Việt Nam. IAEA sẽ làm mọi thứ để giúp Việt Nam phát triển điện hạt nhân một cách bền vững, hiệu quả. �"ng Yukiya Amano, Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Với cương vị là Tổng giám đốc IAEA, ông có lời khuyên gì đối với Việt Nam khi bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong khi chưa từng có kinh nghiệm? Hiện trên thế giới có khoảng 30 quốc gia sử dụng điện hạt nhân và nhiều quốc gia đang muốn phát triển lĩnh vực này. Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng phát triển điện hạt nhân mà chưa hề có kinh nghiệm. Về phía mình, IAEA sẽ giúp đỡ các giúp đỡ các quốc gia phát triển điện hạt nhân một cách an toàn và bền vững. Chúng tôi đưa ra bộ hướng dẫn cho các quốc gia tham khảo, từ việc bắt đầu như xây dựng luật năng lượng nguyên tử, lựa chọn địa điểm, tham gia các công ước quốc tế về điện hạt nhân, đào tạo nhân lực… Việt Nam là quốc gia đã tham vấn IAEA ngay từ khi các bạn có ý định phát triển điện hạt nhân và nhận được cam kết giúp đỡ của IAEA. Thời gian qua, Việt Nam có nhiều tiến bộ trong việc này như lập báo cáo khả thi, chuẩn bị nhân sự, tham gia công ước quốc tế… Tuy nhiên, các bạn còn nhiều việc phải làm. Đó cũng là lý do tôi đến đây với mong muốn thúc đẩy hơn nữa việc hợp tác giữa IAEA và Việt Nam. IAEA sẽ làm mọi thứ để giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Cụ thể IAEA sẽ giúp đỡ Việt Nam trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận như thế nào, thưa ông? IAEA sẽ cử đoàn công tác, khảo sát, đánh giá gồm các chuyên gia hàng đầu thế giới tới Việt Nam theo đề nghị của các bạn để thảo luận các vấn đề như cơ sở hạ tầng, an toàn… Thông qua đoàn công tác này, IAEA sẽ biết Việt Nam cần gì và Việt Nam cũng có thể học hỏi chuyên gia quốc tế những kinh nghiệm tốt trong việc phát triển điện hạt nhân. IAEA có kế hoạch đưa đoàn công tác sang Việt Nam thường niên.
Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ Việt Nam thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật. Trong giai đoạn 2012- 2013, ngân sách mà IAEA hỗ trợ cho các dự án này vào khoảng 1 triệu euro, trong đó có phát triển hạ tầng, an toàn điện hạt nhân… IAEA cũng hỗ trợ các dự án năng lượng nguyên tử như nâng cấp hệ thống phòng thí nghiệm, quản lý chất lượng thực phẩm xuất khẩu (quả thanh long)… Tương lai của điện hạt nhân sẽ ra sao nhất là sau sự cố Fukushima (Nhật Bản), niềm tin của người dân cũng như chính phủ một số nước vào điện hạt nhân đã bị suy giảm? Sau tai nạn Fukushima, niềm tin của cộng đồng quốc tế với điện hạt nhân bị suy giảm nghiêm trọng. Nước Đức đã ngừng sử dụng điện hạt nhân sớm hơn dự tính. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn đặt niềm tin vào điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng. Điều này có lẽ cũng bởi điện hạt nhân có ưu điểm như không sản sinh ra khí gây hiệu ứng nhà kính, nhiên liệu cho điện hạt nhân không thay đổi quá nhiều so với nhiên liệu hóa thạch, nguồn điện ổn định… Sau sự cố Fukushima, các quốc gia cũng hiểu sâu sắc hơn về sự cần thiết của việc thực thi an toàn điện hạt nhân. Các quốc gia ở châu Âu đã kiểm tra thử nghiệm xem các nhà máy điện hạt nhân có khả năng chống chịu tai nạn nghiêm trọng như lụt lội, động đất, lốc xoáy… hay không. Họ cũng tăng cường các kỹ thuật an toàn và IAEA đã giúp nhiều quốc gia về vấn đề này. Hiện, có thể nói các nhà máy điện hạt nhân an toàn hơn rất nhiều so với trước sự cố đáng tiếc trên. Theo dự đoán của IAEA, tới năm 2030, điện hạt nhân sẽ tăng trưởng thấp nhất là 17%. Một quốc gia chưa có kinh nghiệm làm điện hạt nhân như Việt Nam thì mất bao nhiêu thời gian để chuẩn bị cơ sở hạ tầng, thưa ông? Không có khoảng thời gian cố định nào cho việc phát triển một nhà máy điện hạt nhân. Thông thường, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ mất 10-15 năm, song với một số quốc gia thì thời gian này có thể ngắn hoặc dài hơn dự kiến. Dự án điện hạt nhân là vấn đề lâu dài, sẽ sử dụng trong nhiều thập kỷ tới nên đòi hỏi một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng. Do đó, thời gian chuẩn bị không phải là vấn đề chính mà vấn đề là phải chuẩn bị tốt nhất. Bởi vậy, Việt Nam phải chuẩn bị cẩn thận, có tham vấn kỹ càng chứ không nên gấp gáp. Điểm quan trọng là Việt Nam cần có cơ quan pháp quy độc lập, chịu trách nhiệm giám sát về an toàn. Bên cạnh đó, các bạn cần có kế hoạch tốt, đề ra thứ tự ưu tiên phù hợp. Bên cạnh việc phối hợp nhịp nhàng với IAEA, Việt Nam cần phối hợp tốt với các quốc gia cung cấp công nghệ điện hạt nhân để có thể xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tốt nhất. Xin cảm ơn ông! Duy Anh (lược ghi)
|